CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Ga 6,51-58
Noel Quesson - Chú Giải

Bánh Hằng Sống (3)
Thiên Chúa là duy nhất và Lời Chúa là duy nhất, nghĩa là được gom lại trong một sự phát âm duy nhất: Chúa nghĩ mọi sự trong chỉ một “Lời” lời của Người hoàn toàn duy nhất. Nhưng độc nhất và duy nhất đó, lời đơn giản đó lại được truyền đi thành vô số những chân lý khác nhau, qua những lời nói khác nhau của con người. Cũng như ánh sáng trắng trong tính duy nhất của nó, gồm chứa mọi màu sắc của cầu vồng, rất khác nhau, khi chúng xuyên qua lăng kính của chúng ta. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy người ta đưa ra nhiều giải thích về mầu nhiệm bánh sự sống. Mỗi cách giải thích là một sự tiếp cận, một phiến diện của chân lý độc nhất. Chương 6 Tin Mừng Theo thánh Gioan có Thể được hiệu bằng 4 cách:
1. Một vài tác giả thời xưa đã nghĩ đến ý nghĩa thuần túy thiêng liêng “Bánh sự sống" đó là con người và sứ điệp của Đức Giêsu, mà ta “đồng hóa" nhờ đức tin.
2. Một số lớn những nhà chú giải Thánh kinh thời nay, trái lại cho rằng cách nói này hoàn toàn thuộc về Bí tích Thánh Thể: “Bánh sự sống”, chính Thánh Thể mà chúng ta ăn thực sự trong một thứ bữa ăn hiện thực, trong đó chính thân Thể của chúng ta cũng đóng vai trò của nó.
3. Nhiều nhà phê bình đưa ra một ý kiến trung dung: Phần đầu diễn từ cho đến câu 50 nhắm vào đức tin... làm cho chúng ta được nuôi dưỡng bằng Đức Giêsu nhờ thông hiệp với tư tưởng và lời của Người. Phần 2 của diễn từ, bắt đầu từ câu 51 tức là bài đọc Chúa nhật này, nhằm Bí tích Thánh Thể, làm cho chúng ta kết hiệp với Mình Máu Chúa cách Bí tích, trong một "dấu chỉ hữu hiệu”.
4. Cuối cùng, đối với một số tác giả hiện đại, diễn từ của Chúa Giêsu nhắm cả vào Đức tin và Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, có một sự kết hợp mạnh mẽ giữa hai đề tài này: Đức tin hoàn toàn nơi Chúa Kitô đòi hỏi phải tìm Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là "mầu nhiệm đức tin" tuyệt vời.
Suy niệm về Lời và Con Người của Đức Giêsu (phần đầu của Thánh lễ: Phụng vụ Lời Chúa) và rồi thông hiệp với Mình Máu Thánh Người (phần 2 của Thánh lễ: Phụng vụ Thánh Thể), là 2 phần nối tiếp nhau. Làm sao ta có thể nói, người ta thực sự tin vào Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã nhập Thể không mà ta lại không làm theo lời Người và đón nhận “Mình Thánh" Người? Đức Giêsu thường nói về đức tin trước khi nói cách rõ ràng về Bí tích Thánh Thể, vì sự hiện diện nhiệm mầu" của Người chỉ thực sự nuôi dưỡng những kẻ tin. Ta cũng thấy được sự quan trọng phải đến dự lễ đúng giờ: Nhờ đức tin, chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa là chính Đức Giêsu, để có thể được nuôi dưỡng bằng chính Người trong mình Chúa đã được phó nộp vì chúng ta. Không có 2 phần trong Thánh lễ, phần đầu có thể tùy ý không bắt buộc: Ngay từ đầu; chúng ta đã thông hiệp" với Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói: "Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống".
Đây là câu 51 lần đầu tiên một từ mới xuất hiện và sẽ được lặp lại 11 lần trong phần cuối diễn từ của Đức Giêsu: “thịt và máu' "ăn và uống". Chứng từ này rất hiện thực chúng ta không làm sao chỉ có thể hiểu một cách tượng trưng được.
Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?".
Họ đã hiểu theo một cách thực tế nhất, và họ đã bất bình. Nếu họ nghĩ đến việc đón nhận Thánh Thể cách thiêng liêng, thì họ đã không bất bình.
Đức Giêsu nói với họ: "Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình".
Thay vì làm dịu bất sự căng thẳng, Đức Giêsu lại càng nhấn mạnh đến tính thực tế của đời Người, và từ bây giờ trở đi, Người còn thêm 2 từ "thịt" và “máu” Và vấn đề không chỉ nguyên là "ăn" mà còn là "uống" nữa. Việc rước Chúa dưới "hai hình" nằm trong truyền thống xa xưa bắt nguồn từ Đức Giêsu, đến nỗi người ta tự hỏi làm sao có thể bỏ truyền thống này, và cần. phải bao lâu nữa người Kitô hữu mới muốn lặp lại truyền thống này.
Sự liên kết hai chữ "thịt" và "máu” có thể được hiểu bằng nhiều cách.
Theo tâm thức của người Sê--mít, kiểu nói này ám chỉ toàn diện con người, tất cả những gì làm nên thực tại cụ thể con người, với những khả năng và giới hạn của nó. Cũng theo tâm thức của người phương Đông, "máu” thật là linh thiêng, bởi vì nó là biểu tượng phi thường của "sự sống", đến độ có thể dùng chữ này thay thế chữ kia ("nếu các ông không uống sự sống của Người, các ông sẽ không có sự sống của Người trong mình").
Nhưng cuối cùng và quan trọng nhất, đó là sự phân cách giữa 2 yếu tố này: Mình Tôi và Máu Tôi, gợi lên cho biết Đức Giêsu sẽ chết cách nào, bằng cách "tách rời máu Người ra khỏi thân mình Người". Đức Giêsu vừa nói: "Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống": Ở đây rõ ràng Chúa muốn ám chỉ đến lễ hy sinh Thập giá Chúng ta thâm tín với Đức Giêsu, Người cần phải hy sinh để cứu chuộc thế gian. Người biết Người phải “hiến dâng" mạng sống của Người để cho thế gian được sống.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.
Đừng quên rằng Thánh Gioan viết những câu này trong Tin Mừng của ông vào khoảng năm 90 hay 100. Nghĩa là từ 60 năm qua, ông đã cử hành Bí tích Thánh Thể với những cộng đoàn Kitô hữu. Làm sao mà độc giả của ông lại không áp dụng ngay những lời này vào Bí tích Thánh Thể mà họ đã "ăn và uống" thực sự, trong một bữa ăn huynh đệ thân mật. Vả lại, nếu Đức Giêsu không nói như thế thì làm sao các tông đồ trong bữa tiệc ly đã có thể hiểu được việc Đức Giêsu làm? Sự thiết lập Bí tích Thánh Thể, chiều 11 tối Thứ Năm Thánh sẽ không thể hiểu được đối với Nhóm Mười Hai, nếu Đức Giêsu đã không chuẩn bị cho các ông, bằng cách này hay cách khác... Và ở đây, trình thuật của Gioan rất quan trọng: Chắc chắn ông đã hiểu rõ những gì Đức Giêsu nói hôm đó khoảng một năm trước cuộc thương khó của Người, và Gioan đã đưa vào trình thuật của ông tất cả những hiểu biết về sự Phục sinh mà ông đã ghi nhận được qua những biến cố sau cùng này.
Vì Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là của uống.
Thánh Gioan không thuật lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu, chiều tối Thứ Năm. Nhưng chúng ta thấy có sự song song rất ăn khớp với Tin Mừng nhất là Mát-Thêu, Máccô và Luca: Thực sự đó chỉ là một Tin Mừng với những từ ngữ khác nhau. Chúng ta đừng quên một tính từ mà Thánh Gioan thường hay dùng, đó là chữ "đích thực". Chữ này phải làm chúng ta chú ý, nó có nghĩa "coi thường". Đó là "của ăn đích thực" một của ăn không giống như những thức ăn khác. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con những chỉ dẫn chính xác, rất quan trọng, giúp chúng con vượt lên trên những quan điểm nhân loại, quá chật hẹp thuần túy.
Sau đó, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta 3 hiệu quả của Bí tích Thánh Thể.
1. SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI VÀ SỰ SỐNG LẠI
Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại.
Bích tích Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong vinh quang của Chúa Cha. Và Thân Thể hằng sống này (sống một cách khác, sống sự sống đích thực) trở nên "mầm mống" sự sống Thiên Chúa trong chúng ta. Theo Tin Mừng nhất lãm, vào buổi tối tiệc ly Đức Giêsu sẽ nói về "bữa tiệc trên trời", nơi đó Người sẽ quy tụ các bạn hữu của Người. "Thầy sẽ không uống rượu nho nữa cho đến ngày Thầy sẽ uống với các con Rượu Mới trong vương quốc của cha Thầy". Bữa tiệc Thánh Thể là một sự tham dự trước bữa tiệc Nước Trời, nơi đó chúng ta sẽ ngồi đồng bàn với Chúa Cha, với Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, theo hình tượng rất đẹp của Chúa Ba Ngôi. Vâng, chúng ta đang đi tới cuộc gặp gỡ hạnh phúc đó. Tạ ơn Chúa.
2. SỰ KẾT HỢP HỖ TƯƠNG GIỮA CHÚA KITÔ VÀ NGƯỜI KITÔ HỮU.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hợp với Tôi, và Tôi luôn kết hợp với Người ấy.
Đây cũng là một từ quen thuộc đối với Thánh Gioan "ở cùng". Ơn gọi của mỗi người là "ở cùng Chúa, ở trong Chúa". Đó là đề tài căn bản của Giao Ước, đã được diễn tả trong Thánh kinh suốt dòng lịch sử, qua những kiểu nói ngày càng rõ ràng, riêng tư và thân mật:
"Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi" (Xh 6,7).
“Người yêu tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người ấy (Dc 6,3).
“Các con hãy ở trong Thầy, cũng như Thầy ở trong các con" (Ga 6,56- 15,4).
3. SỰ TẬN HIẾN CHO CHÚA CHA.
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy.
Giới từ được dịch ở đây là "nhờ Chúa Cha" có những nghĩa phong phú hơn trong tiếng Hy Lạp. Giới từ đó là chỉ "địa", có nghĩa là "qua", "vì", "nhờ". Chúng ta thấy phớt qua một trong những nghĩa cử sâu xa của Đức Giêsu, mà Thánh Gioan đã khéo đoán biết được: Đức Giêsu sống qua Chúa Cha, nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, và Người mời gọi chúng ta sống như thế!
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống"
BÀI TIN MỪNG: Ga 6, 51-58
I. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp với bài Tin Mừng hai Chúa nhật trước trích trong bài giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống Tin Mừng thánh Gioan. Bài hôm nay là phần thứ ba nói đến việc Chúa Giêsu hứa ban Bánh Hằng Sống trong phép Thánh Thể.
II. SUY NIỆM:
1/ "Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống":
Hai đặc điểm của bánh mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là Hằng Sống và từ trời xuống.
* Bánh Hằng Sống vì bánh này có sự sống đích thực, sự sống sung mãn tức là sự sống thần linh
* Bánh từ trời xuống vì bánh này là chính Người " Từ Chúa Cha mà ra " (Ga 6, 46) và " Chúa Cha là Đấng đã sai Ta " (Ga 6, 44).
* Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời: Bánh có sự sống thần linh này đã ban cho những ai ăn thì được sự sống đời đời, sự sống mà cái chết của thân xác không ảnh hưởng đến.
2/ "Và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta cho thế gian được sống":
+ Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta: "Sẽ ban" tức là chưa thực hiện trong hiện tại lúc Người đang nói, nhưng sẽ thực hiện trong tương lai. Ở đây muốn nói đến sẽ ban khi lập phép Thánh Thể.
+ Chính là Thịt Ta: theo kiểu nói của thánh Gioan thì " Thịt " là nói đến sự sống của một con người đang sống, nhưng " Thịt " sẽ ban tức là Thịt không phải của thân xác Người lúc đang nói ở đây, nhưng là của thân xác sẽ chịu chết và phục sinh mà Người sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly khi Người cầm lấy tấm bánh và nói: " Này là mình Thầy ".
+ Cho thế gian được sống: Chính Thịt này của Người là của nuôi cho mọi người ở mọi nơi được sống, ở đây có ý nói đến Thánh Thể là của nuôi linh hồn ta.
3/ "Làm sao ông này có thể lấy Thịt mình mà cho chúng ta ăn được?":
Người Do thái hiểu Chúa Giêsu nói về thịt của Người theo nghĩa đen: Ăn Thịt Người tức là ăn thịt một con người đang nói với họ. Vì thế họ thắc mắc và tranh luận với nhau. Ở đây cho thấy người Do thái thắc mắc vì họ không hiểu để phân biệt " Thịt " của một con người thần linh mà Chúa Giêsu muốn nói đến, với thịt của một con người theo xác thịt mà họ đang nghĩ đến.
4/ "Thật, Ta bảo thật các người":
Thấy người Do thái thắc mắc vì họ hiểu ăn thịt theo nghĩa đen. Chúa Giêsu không tìm cách làm dịu kiểu nói và cũng không cải chính, nhưng Người lại tiếp tục quả quyết cách xác tín hơn, mạnh mẽ hơn rằng: " Thật, Ta bảo thật các ngươi " kiểu nói này diễn tả ý nghĩa sẽ xác quyết về lời Người nói, Người xác quyết Thịt Người thật là của ăn bằng hai kiểu nói.
a/ Nếu các ngươi không ăn Thịt con người và uống Máu Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Đây là kiểu nói dưới hình thức tiêu cực: Ai không ăn thì không có sự sống. Ở đây Chúa có ý nhấn mạnh: Thịt và Máu Người là Thánh Thể, là nhu cầu tối thượng của sự sống siêu nhiên.
b/ Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.
Đây là kiểu nói dưới hình thức tích cực: ai ăn Thịt có sự sống đời đời. Ở đây muốn nhấn mạnh đến lợi ích của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa là nhận lãnh được sự sống đời đời và nhờ công cuộc cứu chuộc Chúa Giêsu sẽ cho họ sống ngày sau hết.
5/ "Vì Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống":
Một lần nữa Chúa Giêsu rõ ràng muốn nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là của ăn, là lương thực thông ban sự sống trường sinh.
6/ "Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy":
Hiệu qủa của việc ăn uống Thịt Máu Chúa đây là sự kết hiệp vừa thân mật vừa hỗ tương với Chúa Giêsu. Đây là đặc điểm của phép Thánh Thể. Người hiệp lễ ở lại trong sự sung mãn của Chúa Kitô. đón nhận sự sống của Người luôn chảy vào họ, và về phần Người, Người ở lại trong kẻ hiệp lễ như một người bạn thân tình và được yêu mến.
7/ " Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sống nhờ Ta ":
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian và Người sống bởi Chúa Cha (sự sống thần linh) thế nào, thì Người cũng ban cho những ai ăn uống Thịt Máu Người cũng được sống như vậy. Chúa Giêsu có ý nói đến sự sống thần linh của phép Thánh Thể. Ai hiệp lễ thì được tham dự thông phần vào sự sống ấy. Sự sống thần linh thông từ Chúa Cha tới Chúa Con và từ Chúa Con thông xuống người hiệp lễ.
8/ "Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn Manna và đã chết":
Đến đây Chúa Giêsu nhắc lại đề tài về Bánh Hằng Sống mà Người vừa giảng ở trên để cố ý nhấn mạnh rằng sự sống ban cho người hiệp lễ là sự sống đời đời. Sự sống này khác hẳn với sự sống do Manna mà cha ông người Do thái đã ăn và đã chết.
9/ "Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời":
Đây là câu kết thúc bài giảng về Bánh Hằng Sống và cũng là câu tóm lược tất cả mọi điều đã nói ở trên: Chính Người là Bánh từ trời xuống để đem sự sống thần linh đến cho loài người.
III. ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin Mừng:
1/ Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn thúc đẩy chúng ta xác tín vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể vì " Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống".
2/ Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là một phương thế để Chúa Giêsu tiếp tục sống giữa con cái loài người. Đây là nguồn an ủi và rất khích lệ cho đời sống tôn giáo chúng ta.
3/ Qua ý nghĩa của bài Tin Mừng này, Giáo Hội muốn nhắc nhủ ta rằng: Ai từ chối Chúa hiện diện trong phép Thánh Thể, kẻ đó không có đức tin đích thực thật. Và như vậy, những ai chai lười, không tha thiết với phép Thánh Thể, kẻ đó yếu kém đức tin không bảo đảm được sự sống đời đời.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) xem việc Người làm:
- Chúa Giêsu không nản lòng thối chí khi thấy dân Do thái không hiểu lời Người giảng dạy lại còn tỏ thái độ phản ứng tranh luận với nhau, nhưng Người vẫn kiên trì và tiếp tục nói thêm và nói xác quyết hơn. Chúng ta không nên thối chí nản lòng khi công việc chưa thấy thành công hay khi ta muốn nói một vấn đề mà người nghe chưa hiểu ra hoặc có thái độ càm ràm, nhưng cần biết kiên trì chờ đợi và tìm cách giải quyết ổn thoả.
b) Nghe lời Người nói:
- "Nếu các ngươi không ăn Thịt Con Người..." Đây là lời xác quyết có tính cách cảnh cáo những ai coi nhẹ phép Thánh Thể và không tha thiết với việc hiệp lễ.
- "Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết": Phép Thánh Thể là sự sống đích thực giúp ta thánh hoá bản thân trong hiện tại và bảo đảm sự sống đời đời cho ta trong tương lai.
- "Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống": khi chúng ta hiệp lễ, chúng ta rước lấy chính Chúa Kitô và như vậy Chúa hiện diện trong ta và ta được sống trong Người (Ga 2, 20). Điều này đòi hỏi ta phải biết kính trọng và bảo vệ bản thân ta cho " Xứng đáng đền thờ " Chúa ngự và đồng thời biết kính trọng và hiệp nhất với tha nhân.
- "Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính kẻ ấy cũng sống nhờ Ta". khi rước lễ, chúng ta được tham dự sự sống của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. chúng ta ta phải sống hoàn thiện theo gương Chúa Giêsu Kitô để ai nhìn thấy chúng ta họ nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời.
- "Ai ăn Bánh này thì sẽ sống đời đời": của ăn nuôi xác chúng ta vất vả kiếm tìm, nhưng lại không bảo đảm tránh khỏi sự chết. Của ăn thiêng liêng là Thánh Thể đem lại sự sống đời đời, tại sao ta lại không lỗ lực khao khát kiếm tìm.
2/ Nhìn vào dân Do thái:
- Họ tranh luận với nhau vì Lời Chúa nói khó nghe quá: đôi khi vì Lời Chúa chúng ta chưa hiểu, Mầu nhiệm Chúa chúng ta chưa tin, giới luật chúng ta chưa sống... nên chúng ta sinh ra cạnh tranh, chia rẽ, hận thù... nhưng hãy tin tưởng, cậy trông và yêu mến Chúa thì mọi sự sẽ êm suôi, mọi vấn đề sẽ giải quyết ổn thoả.